Ban QLDA Phát triển tỉnh Khánh Hòa 30/10/2024 81 0
Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Ngày 25/5/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/BĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ (Nghị định số 59/2024/NĐ-CP).
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2024 với một số điểm mới cơ bản sau đây:
1. Về đánh giá tác động của chính sách
- Nghị định quy định cụ thể, rõ ràng, hợp lý hơn về yêu cầu đánh giá tác động của chính sách đối với hệ thống pháp luật, tác động của thủ tục hành chính; ghép khoản 1 (tác động về kinh tế) và khoản 2 (tác động về xã hội) thành tác động về kinh tế - xã hội, giúp đơn giản yêu cầu đánh giá tác động vì thực tế cho thấy tác động về kinh tế và xã hội thường gắn kết chặt chẽ và khó để đánh giá độc lập.
- Sửa đổi, bổ sung phương pháp đánh giá tác động của chính sách, ưu tiên áp dụng phương pháp định lượng để đánh giá tác động của chính sách, đồng thời bỏ yêu cầu cơ quan lập đề nghị phải nêu rõ lý do khi không thể áp dụng phương pháp định lượng. Đồng thời Nghị định cũng bãi bỏ Điều 31 Nghị định 34/2016/NĐ-CP (Đánh giá tác động chính sách trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật) vì một số quy định tại Điều này không khả thi, hoặc đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
2. Về lấy ý kiến đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
- Việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng dự án, dự thảo VBQPPL được Nghị định quy định theo hướng quy định hợp lý hơn các đối tượng gửi lấy ý kiến.
- Đối với đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, Nghị định quy định theo hướng trao quyền chủ động cho cơ quan lập đề nghị lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Như vậy so với quy định cũ tại Nghị định 34/2016/NĐ-CP thì Nghị định 59/2024/NĐ-CP, không quy định bắt buộc gửi hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết đến các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực liên quan lấy ý kiến.
3. Về ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn
Nghị định bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 37 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP về thời điểm đề nghị xây dựng, ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn được thực hiện trước hoặc trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời quy định cụ thể văn bản đề nghị xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn phải có các nội dung chính về: sự cần thiết ban hành; tên văn bản; đối tượng phạm vi điều chỉnh; nội dung chính của văn bản; căn cứ áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và phải nêu rõ trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Điều 146 của Luật; lý do đề nghị áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn. Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 146 của Luật, phải nêu rõ vấn đề phát sinh trong thực tiễn và hậu quả có thể xảy ra nếu không kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết vấn đề đó; dự kiến cơ quan chủ trì soạn thảo và thời gian trình hoặc ban hành văn bản.
4. Về thành lập và hoạt động của Hội đồng tư vấn thẩm định, Hội đồng thẩm định
Nghị định quy định rõ hơn trách nhiệm của Giám đốc Sở Tư pháp trong việc thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định hoặc Hội đồng thẩm định.
Nghị định quy định đối với dự thảo Nghị quyết liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo thì Giám đốc Sở Tư pháp thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định theo quy định tại khoản 1 Điều 121 của Luật. Đối với dự thảo Quyết định liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo thì Giám đốc Sở Tư pháp thành lập Hội đồng thẩm định theo quy định tại khoản 1 Điều 130 của Luật. Trường hợp không thành lập Hội đồng thẩm định, Sở Tư pháp có thể tổ chức cuộc họp tư vấn thẩm định có sự tham gia của đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Nghị định của quy định rõ trách nhiệm thành viên Hội đồng nghiên cứu hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phát biểu ý kiến thẩm định theo các nội dung yêu cầu tại khoản 3 Điều 121, khoản 3 Điều 130 của Luật.
5. Về trách nhiệm công bố danh mục văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực
Nghị định quy định rõ hơn việc công bố danh mục văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực. Theo đó, cơ quan đã ban hành văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực có trách nhiệm công bố danh mục văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực theo quy định tại khoản 4 Điều 154 của Luật trước ngày các văn bản đó hết hiệu lực. Đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp thực hiện việc công bố danh mục nghị quyết hết hiệu lực do Ủy ban nhân dân cùng cấp lập, báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.
6. Bổ sung, thay thế một số biểu mẫu so với Nghị định 34/2014/NĐ-CP
Nghị định quy định một số mẫu mới so với Nghị định 34/2014/NĐ-CP như: mẫu Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, mẫu Tờ trình đề nghị xây dựng VBQPPL; Mẫu Tờ trình dự án/dự thảo; mẫu Nghị quyết của HĐND bãi bỏ Nghị quyết/các Nghị quyết của HĐND; mẫu Báo cáo rà soát VBQPPL có liên quan đến dự án, dự thảo, mẫu Báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; mẫu Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý.
Chi tiết Nghị định 59/2024/NĐ-CP xem tại đây.
Tác giả: Ban QLDA Phát triển tỉnh Khánh Hòa