Ban QLDA Phát triển tỉnh Khánh Hòa 25/05/2024 422 0
Ngày môi trường thế giới lần đầu tiên được khai mạc vào ngày 5 tháng 6 năm 1972 tại Stockholm - Thụy Điển. Sự kiện trọng đại này đã chính thức được công bố bởi Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (United Nations Environment Programme). Kể từ năm 1972 tới nay, đã có hơn 150 quốc gia trên thế giới hưởng ứng tham gia ngày kỷ niệm có ý nghĩa to lớn này.
Trong sự kiện này, các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ được tổ chức trong tuần lễ quanh ngày 5 tháng 6. Lễ kỷ niệm hàng năm sẽ được tổ chức ở nhiều quốc gia khác nhau. Đây được coi là nghĩa cử đặc biệt để giúp cho người dân toàn cầu hiểu về tầm quan trọng của môi trường và công tác bảo vệ môi trường.
Ngày môi trường thế giới và ý nghĩa đặc biệt đằng sau
Đúng như tên gọi của nó, ngày môi trường thế giới có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Mục đích cao cả của ngày này là khởi nguồn cảm hứng và thúc đẩy tư tưởng của con người. Sự kiện này hướng toàn thế giới tới các hoạt động tích cực để bảo vệ môi trường. Vấn đề bảo vệ môi trường không chỉ dừng lại ở ngày 1 ngày 2 mà còn phải duy trì thường xuyên, liên tục.
Đặc biệt, ngày môi trường thế giới còn là ngày để truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường tới các em học sinh. Giúp tất cả các em hiểu được tầm quan trọng của môi trường. Từ đó, thế hệ tương lại sẽ chung tay, góp sức bảo vệ tốt Hành tinh xanh của chúng ta.
Ngày Môi trường thế giới năm 2024
Ngày Môi trường thế giới 05/6/2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” (Land restoration, desertification and drought resilience) nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.
Tại sao Phục hồi Đất được chọn làm chủ đề cho Ngày Môi trường Thế giới năm 2024?
Trải qua hàng triệu triệu năm trước khi có sự sống xuất hiện, vòng lặp "đại tuần hoàn địa chất" là quá trình phong hóa để tạo thành mẫu chất. Từ khi Trái Đất xuất hiện sự sống thì vòng "tiểu tuần hoàn sinh học" ở quy mô nhỏ kết hợp với quá trình phong hóa mà hình thành đất mới, tạo những nhân tố cơ bản cho độ phì nhiêu cũng như dinh dưỡng trong đất.
Sự liên kết giữa hai vòng tuần hoàn là sự thống nhất tạo nên bản chất của quá hình hình thành đất.
Theo Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD). Số lượng các đợt và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000 - nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.
Phục hồi đất là trụ cột chính trong Thập kỷ về Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc giai đoạn 2021-2030, một lời kêu gọi tập hợp để bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái trên toàn thế giới, điều này rất quan trọng để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Chúng ta rất cần những hành động như vậy khi thế giới đang đối mặt với sự gia tăng đáng lo ngại của 3 cuộc khủng hoảng cấp hành tinh: khủng hoảng biến đổi khí hậu, khủng hoảng về thiên nhiên và mất đa dạng sinh học cũng như khủng hoảng ô nhiễm và lãng phí. Cuộc khủng hoảng này đang khiến hệ sinh thái thế giới bị tấn công. Hàng tỷ ha đất bị suy thoái, ảnh hưởng đến gần một nửa dân số thế giới và đe dọa một nửa GDP toàn cầu. Cộng đồng nông thôn, nông dân sản xuất nhỏ và người nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhưng việc phục hồi đất có thể đảo ngược tình trạng suy thoái đất, hạn hán và sa mạc hóa. Phục hồi thúc đẩy sinh kế, giảm nghèo và tăng khả năng phục hồi đất trước thời tiết khắc nghiệt. Phục hồi đất làm tăng hấp thụ carbon và làm chậm biến đổi khí hậu. Chỉ khôi phục 15% đất đai và ngừng chuyển đổi thêm có thể tránh được tới 60% nguy cơ tuyệt chủng.
Tác giả: Ban QLDA Phát triển tỉnh Khánh Hòa