Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa

Phấn đấu hoàn thành công tác quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa
Phấn đấu hoàn thành công tác quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa
 Ban QLDA Phát triển tỉnh Khánh Hòa 16/05/2017 12.988 06
Chia sẻ:
Phấn đấu hoàn thành công tác quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa

Ban Quản lý Dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa – là Ban Quản lý dự án khu vực có nhiệm vụ: Làm chủ đầu tư một số dự án sử dụng vốn ngân sách, vốn nhà nước ngoài ngân sách đối với các khu vực phát triển đô thị; quản lý dự án; nhận uỷ thác quản lý dự án; giám sát thi công xây dựng; giúp UBND tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ quản lý đầu tư phát triển đô thị đối với các khu vực phát triển đô thị. Để tìm hiểu về hoạt động của Ban, Tạp chí Vietnam Business Forum có cuộc trao đổi với ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Ban quản lý Dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa (BQLDA). 

Là đơn vị sự nghiệp công lập được giao nhiệm vụ quản lý các dự án ODA, dự án phát triển, làm việc với nhà tài trợ, BQLDA đã có những kết quả hoạt động trong thời gian qua như thế nào?

 

 Ảnh: Thạc sỹ Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Ban QLDA Phát triển tỉnh Khánh Hòa
Giai đoạn 2006 – 2014: Nhiệm vụ chính của Ban QLDA Phát triển tỉnh Khánh Hòa (tiền thân là Ban QLDA Cải thiện vệ sinh môi trường thành phố Nha Trang) là thực hiện quản lý Dự án vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải – tiểu dự án Nha Trang, dự án tài trợ của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu là giảm thiểu ngập lụt, tăng cường vệ sinh môi trường một cách bền vững, qua đó góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố Nha Trang. Tổng nguồn vốn đầu tư của Dự án là 93,6 triệu USD, trong đó vốn tín dụng IDA từ Ngân hàng Thế giới là 72,3 triệu USD, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại PHRD từ Chính phủ Nhật Bản là 1,83 triệu USD và vốn đối ứng từ Ngân sách tỉnh là 19,5 triệu USD.

Dự án đã hoàn thành đúng thời hạn cam kết tại Hiệp định (Tháng 11/2014), báo cáo hoàn thành dự án (Implementation Completion Report) số ICR00003346 đã được Ngân hàng Thế giới phát hành 30/5/2015 với các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện dự án đều đạt yêu cầu, các chỉ số đánh giá tính hiệu quả dự án đều đạt và vượt so với mục tiêu ban đầu thể hiện dự án đã và đang phát huy hiệu quả tích cực đối với việc cải thiện môi trường và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố Nha Trang. 
Giai đoạn 2015 – nay: BQLDA đã được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng khác liên quan lĩnh vực quản lý dự án từ các nguồn vốn ODA, ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, dự án BT, lập quy hoạch chi tiết các khu đô thị và quản lý đầu tư phát triển đô thị đối với một số khu vực phát triển đô thị trên địa bàn thành phố Nha Trang. Trong đó, một số kết quả đã đạt được như:
Hoàn thành cơ bản việc chuẩn bị Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – tiểu dự án Nha Trang, dự án vay vốn WB, tổng mức đầu tư 72 triệu USD. Dự án được triển khai nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải khu vực phía Bắc thành phố Nha Trang, mở rộng mạng lưới thu gom nước thải hộ gia đình khu vực trung tâm và phía Nam thành phố, tăng cường kết nối giao thông thông qua việc đầu tư kè và đường phía Nam Sông Cái Nha Trang và đường Chử Đồng Tử. Dự kiến việc đàm phán Hiệp định sẽ được tiến hành vào tháng 3/2017 và ký kết vào tháng 6/2017 để triển khai trong giai đoạn 2017-2022.

        - Hoàn thành việc thiết kế và đấu thầu dự án Khu Tái định cư Ngọc Hiệp, triển khai trong 02 năm 2017 – 2018 với quy mô 650 lô tái định cư để phục vụ các trường hợp giải tỏa bởi Dự án môi trường bền vững và các dự án khác trên địa bàn thành phố.


        - Ngoài các nhiệm vụ chính trên, năm 2016 là năm cũng đánh dấu sự tham gia sâu về chuyên môn của Ban QLDA trong lĩnh vực phát triển đô thị với việc và thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng khác như: tham gia ý kiến trong việc khớp nối hạ tầng các khu đô thị mới vào mạng lưới thoát nước chung của thành phố Nha Trang; phối hợp UBND thành phố Nha Trang trong công tác triển khai đấu nối nước thải của các hộ gia đình và tổ chức; phối hợp với Nhà đầu tư và Sở Xây dựng trong việc quản lý việc đầu tư cơ sở hạ tầng trong Khu đô thị du lịch – thương mại – tài chính Nha Trang (sân bay cũ); tham gia góp ý chuẩn bị các dự án BT quan trọng đối với lĩnh vực phát triển đô thị của Nha Trang như: kết nối giao thông sân bay Nha Trang, nút giao Ngọc Hội, đường vành đai 2.

Với một dự án ODA có quy mô lớn và phức tạp, trong quá trình thực hiện dự án, BQLDA đã gặp những khó khăn và thách thức gì? BQLDA có quan hệ thường xuyên, chặt chẽ với nhà tài trợ để được sự hỗ trợ và hướng dẫn công tác chuyên môn không?

Dự án vệ sinh môi trường thành phố Nha Trang (2006-2014) là một dự án ODA lớn và phức tạp, lần đầu tiên được triển khai tại tỉnh Khánh Hòa trên địa bàn thành phố Nha Trang. Trong suốt quá trình thực hiện dự án đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như chưa quen thuộc về quy trình, thủ tục dự án ODA; nhiều vấn đề chưa hài hòa giữa quy định của nhà tài trợ và quy định của Việt Nam trong công tác quản lý dự án/quản lý hợp đồng; lựa chọn công nghệ xử lý nước thải, xử lý nước rỉ rác; xử lý kỹ thuật do gặp địa chất yếu; những bất đồng trong quan hệ giữa tư vấn quốc tế và các nhà thầu Việt Nam; thời tiết không thuận lợi và đặc biệt là những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, do đó thời gian đầu tiến độ không đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Khánh Hòa, sự tham gia và hỗ trợ tích cực từ UBND thành phố Nha Trang, sự quan tâm và giải quyết kịp thời các vướng mắc của các Sở, Ngành cùng nỗ lực rất lớn của tất cả các bên tham gia dự án, đặc biệt là việc tập trung làm việc tăng ca liên tục trong suốt Giai đoạn 2 của Ban QLDA/Tư vấn/Nhà thầu, cuối năm 2014 dự án đã hoàn thành đúng tiến độ cam kết với Nhà tài trợ.

Trong quá trình thực hiện, việc giữ mối liên hệ thường xuyên với các Bộ, ngành trung ương và đặc biệt chặt chẽ với Nhà tài trợ là cực kỳ quan trọng. Ngoài vấn đề hỗ trợ, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong quản lý dự án ODA, hướng dẫn các quy định của Nhà tài trợ thì việc tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, tiến độ và tài chính của Nhà tài trợ là một trong những biện pháp thúc đẩy các bên liên quan tháo gỡ vướng mắc, cải thiện công tác quản lý, tăng cường nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả dự án. 

Sau những thành công đã đạt được trong những năm qua, ông có thể cho biết mục tiêu và tầm nhìn của  Ban Quản lý dự án trong những năm tới?

Tầm nhìn: là Ban quản lý dự án chuyên nghiệp, đạt Hạng 1 cấp quốc gia và đáp ứng các chuẩn mực về quản lý dự án theo thông lệ quốc tế.

Sứ mệnh: Là Ban Quản lý dự án khu vực của tỉnh Khánh Hòa, quản lý chuyên nghiệp, đúng quy định pháp luật, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, tiến độ, chi phí và mục tiêu các dự án được giao làm Chủ đầu tư hoặc ủy thác quản lý, mang lại các công trình có giá trị, hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; (ii) Là cơ quan giúp UBND tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ quản lý đầu tư phát triển đô thị đối với các khu vực phát triển đô thị, góp phần đảm bảo sự kết nối đồng bộ về hạ tầng; (iii) Là môi trường học tập và làm việc chuyên nghiệp, hiện đại hướng đến xây dựng năng lực cho mỗi cá nhân, đóng góp vào sức mạnh chung của tổ chức.


Giá trị cốt lõi: Đoàn kết – Chuyên nghiệp – Năng động – Sáng tạo

Theo ông, tỉnh Khánh Hòa cần có cơ chế, chính sách gì để đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp hội nhập thành công?

Thứ nhất, công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giải quyết công việc nhằm hướng đến một nền hành chính đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện việc liên thông 3 cấp trong giải quyết thủ tục hành chính.

Thứ hai, tăng cường đối thoại thông qua các diễn đàn được tổ chức một cách thường xuyên và theo từng nhóm chủ đề để hướng đến thảo luận một cách chuyên sâu những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm.

Thứ ba, xây dựng hệ thống thông tin quản lý theo hướng thông minh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý tiếp cận một cách chủ động các thông tin về quy hoạch, các chính sách về đất đai, tài chính, thủ tục hành chính và các nguồn lực công khác.

Thứ tư, tăng cường đào tạo năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là các kỹ năng về quản lý, lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng ra quyết định. 

Thứ năm, chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của thị trường. Muốn như vậy thì cần có sự liên kết và phối hợp chặt chẽ giữa các nhà tuyển dụng và các trường đào tạo./.

Tác giả: Ban QLDA Phát triển tỉnh Khánh Hòa

Hỏi - Đáp

Ban quản lý dự án rẤT MONG NHẬN ĐƯỢC PHẢN HỒI TỪ BẠN.

 Gửi ngay
Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa

Giấy phép số:

Số 16/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/11/2023

Chịu trách nhiệm nội dung:

Ông Nguyễn Thanh Hiến - Giám Đốc

 Đang online: 28
 Tổng truy cập: 1.715.616
Vui lòng ghi rõ nguồn “Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa” hoặc “kdpm.vn” khi bạn phát hành thông tin từ Website này.