Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa

Tổng kết thực hiện dự án: Dự án vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang

Tổng kết thực hiện dự án: Dự án vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang

Tổng kết thực hiện dự án: Dự án vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang
 BQL Dự án VSTM Tp. Nha Trang 05/11/2014 18.362 03
Chia sẻ:
Tổng kết thực hiện dự án: Dự án vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang

Nha Trang, thành phố du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế với bãi biển dài và đẹp, đặc biệt năm 2004 vịnh Nha Trang được xếp vào một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, cũng như nhiều đô thị khác trong cả nước, thành phố Nha Trang phải giải quyết nhiều vấn đề bất cập về vệ sinh môi trường.

Năm 2003, Bãi rác Rù rì thành phố Nha Trang bị Chính phủ đánh giá là điểm đen, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Được hình thành từ năm 1988, trải qua nhiều năm, diện tích bãi chứa rác đã bị quá tải; mùi hôi bốc ra hàng cây số và nước rỉ rác chảy ra không được xử lý đã gây ô nhiễm trầm trọng đến môi trường. 

Trong một thời gian dài việc đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật của thành phố Nha Trang còn rất nhỏ so với nhu cầu, đặc biệt là hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn chưa được ưu tiên. Vì thế đã ảnh hưởng đến điều kiện sống của người dân, hạn chế khả năng phát triển, chất lượng môi trường tự nhiên ngày càng giảm. Hệ thống thoát nước trong thành phố đa số đã bị xuống cấp, nước thải không được xử lý xả trực tiếp ra môi trường, thu gom rác thải còn nhiều bất cập. Điều này không những đã gây ô nhiễm nặng nề cho tầng nước ngầm cũng như các khu vực sông, biển mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan thành phố.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm nêu trên, Dự án Vệ sinh Môi trường các Thành phố Duyên Hải được hình thành dựa trên sự tài trợ và hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới với Chính phủ Việt Nam. Mục tiêu chung của Dự án là giảm thiểu ngập lụt, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của các thành phố thực hiện dự án, trong đó có thành phố Nha Trang. Đối tượng thụ hưởng Dự án chính là người dân đang sinh sống, làm việc và nghỉ dưỡng tại thành phố. 

Tiểu dự án Nha Trang với tổng nguồn vốn đầu tư là 93,6 triệu USD, bao gồm nguồn vốn tín dụng IDA (từ Ngân hàng Thế giới): 72,3 triệu USD; nguồn vốn viện trợ không hoàn lại PHRD (từ Chính phủ Nhật Bản): 1,83 triệu USD và vốn đối ứng từ Ngân sách tỉnh: 19,5 triệu USD

Tiểu Dự án được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Ban QLDA Cải thiện vệ sinh môi trường thành phố Nha Trang làm Chủ đầu tư. Dự án có hiệu lực từ ngày 6/2007; kết thúc vào ngày 11/2014. 

Hợp phần 1: Chống ngập úng, thoát nước mưa và thu gom nước thải
Khởi công từ đầu năm 2007, Hệ thống thoát nước của Tiểu dự án Nha Trang được xây dựng với rất nhiều hạng mục,
bao gồm :
- 30km cống cấp một,
- 03km cống cấp hai,
- 35km cống cấp ba,
- 560 hố ga thăm,
- 2400 hố ga ngăn mùi,  
- 5200 hố ga đấu nối hộ gia đình,
- 06 trạm bơm nước thải,
- 10 giếng tách nước thải.

Các công trình thoát nước này được thi công trong điều kiện hết sức khó khăn như mặt bằng thi công nằm trong các tuyến phố chính với mật độ giao thông đông đúc, vừa phải đảm bảo tiến độ thi công vừa phải đảm bảo hạn chế ít nhất ảnh hưởng sinh hoạt của người dân, du khách; nhiều khu vực thi công rất chật hẹp, hố đào sâu, lại vướng nhiều hạ tầng kỹ thuật khác như hệ thống điện, cấp nước, cáp quang, v.v...; một số tuyến cống nằm trong khu vực đất yếu phải bổ sung xử lý nền như tuyến cống dọc sông Quán Trường. Tuy nhiên, với sự nỗ lực vượt bậc của Đơn vị thi công dưới sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị tư vấn giám sát, Ban quản lý dự án, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan; các gói thầu đã từng bước khắc phục vượt qua khó khăn vướng mắc, đưa các công trình hoàn thành đáp ứng tiến độ cam kết.

Bên cạnh các công trình thoát nước, Dự án cũng đã mua sắm, cung cấp cho Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa một số thiết bị để hỗ trợ công ty trong việc vận hành, bảo dưỡng hệ thống thoát nước của thành phố, bao gồm:
- 01 xe hút bùn,
- 01 xe thổi rửa áp lực
- 01 cụm tời nạo vét đường cống

Hợp Phần 2: Nhà máy Xử Lý Nước Thải
Chiếm tỷ trọng rất lớn khoảng 25% giá trị dự án là công trình Nhà máy xử lý nước thải hiện đại tại xã Phước Đồng, với diện tích khoảng 6 ha chưa kể vùng đệm cách ly 150m từ hàng rào, với công nghệ mương oxy hóa sâu, công suất 40.000 m3/ngày đêm được xây dựng từ tháng 8/2012 và hoàn thành vào tháng 9/2014. Trong suốt quá trình thi công, tiến độ và chất lượng công trình luôn được Tư vấn và Ban quản lý dự án giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, sự chuyên nghiệp thể hiện qua năng lực thi công, quản lý gói thầu của Nhà thầu chính Kumho Industrial Limited đến từ Hàn Quốc góp phần rất lớn cho sự hoàn thành nhà máy đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng như đánh giá của Ngân hàng Thế giới cũng như các cơ quan hữu quan trong các đợt kiểm tra giám sát dự án định kỳ. 

Sau khi hệ thống điều khiển tự động SCADA được lắp đặt hoàn thành cho toàn dự án, cùng với các trạm bơm thuộc hợp phần 1, Nhà máy đã bắt đầu vận hành thử hệ thống từ tháng 10/2014 và kết thúc vào cuối tháng 11/2014. Nước thải sau khi chuyển tải về nhà máy, được xử lý đã đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn đầu ra theo quy định để thải ra môi trường. Tuy nhiên, hiện nay lưu lượng nước thải thu gom về nhà máy chỉ đạt hơn 13.000 m3/ngày đêm, đủ vận hành 01 đơn nguyên xử lý. Để nhà máy có thể vận hành đầy đủ cả 04 đơn nguyên (dự kiến sau năm 2020), đảm bảo hiệu quả đầu tư, sử dụng thì công tác đấu nối nước thải cần được thành phố tiếp tục đẩy mạnh.

Hợp Phần 3. Quản Lý Chất Thải Rắn
Bãi chôn lấp chất thải rắn Lương Hòa hiện đại, hợp vệ sinh với sức chứa 3,4 triệu m3 đã được xây dựng hoàn thành và bàn giao cho Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị Nha Trang đưa vào sử dụng từ tháng 3/2014. Công tác đóng cửa bãi rác cũ Rù Rì hoàn thành vào tháng 10/2014. Điểm đen về môi trường theo đánh giá của Bộ Tài nguyên môi trường trước đây nay đã không còn, khu vực bãi rác Rù Rì nay đã được cải tạo thông thoáng sạch sẽ.

Bên cạnh đó, trong hợp phần 3, một trạm xử lý nước rỉ rác hiện đại cũng đã được xây dựng hoàn thành tại khu vực bãi chôn lấp Lương Hòa với công suất gần 190 m3/ngày đêm. Nước rỉ rác từ bãi rác cũ Rù Rì trước đây chảy trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm thì nay cùng với nước rỉ rác từ bãi chôn lấp mới đã được dẫn về trạm xử lý nước rỉ rác để được xử lý đạt yêu cầu thiết kế sau đó tiếp tục được dẫn về Nhà máy xử lý nước thải để xử lý triệt để trước khi xả thải ra môi trường.
Ngoài ra, trong hợp phần 3, dự án cũng đã mua sắm và cung cấp một số thiết bị để thu gom rác và vận hành bãi chôn lấp cho Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Nha Trang, bao gồm:
-  05 xe ép rác hiện đại,
- 500 thùng rác để nâng cao năng lực thu gom rác
- 01 xe đào bánh lốp
- 01 xe đầm rác hiện đại 

Hợp Phần 4. Tái Định Cư và Giải phóng Mặt Bằng
Dự án đã xây dựng hoàn thành khu tái định cư Đất Lành 5,9 ha với đầy đủ hạ tầng giao thông, cấp điện, chiếu sáng và cấp thoát nước tại xã Vĩnh Thái, gồm 341 lô tái định cư, đã bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 8/2010. 

Công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công các công trình của Dự án là một quá trình gian nan, phức tạp vì khối lượng lớn, qua nhiều khu vực dân cư. Tuy vậy, với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Khánh Hòa, nỗ lực vượt bậc của UBND thành phố Nha Trang, Ban QLDA cũng như của các chính quyền địa phương, việc giải phóng mặt bằng đã đáp ứng được tiến độ thi công công trình, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, Dự án đã đền bù, di dời hơn 500 hộ dân, tổng diện tích bị ảnh hưởng 62ha. 

Hợp Phần 5. Chương Trình Quỹ Quay Vòng Vệ Sinh Hộ Gia Đình Và Vệ Sinh Trường học
Dự án đã xây dựng nhà vệ sinh cho 17 trường học được lựa chọn hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào sử dụng hiệu quả; không những thế, còn góp phần giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh của các em học sinh. 

Một trong những điểm sáng của dự án, Quỹ quay vòng vốn vệ sinh hộ gia đình thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Nha Trang đã triển khai tốt. Tổng số hộ được vay gần 2500 hộ, với tổng số tiền gần 5 tỉ đồng. Các hộ được vay đều đã sử dụng khoản vay đúng mục đích để cải thiện điều kiện vệ sinh gia đình. Ngoài ra, trong quá trình triển khai nhận thức về tầm quan trọng của việc gìn giữ, bảo vệ môi trường đã dần hình thành và phát triển trong cộng đồng dân cư.

Hợp Phần 6. Tăng cường Năng Lực và Hỗ Trợ Thực Hiện Dự Án
Để đạt được những thành quả nêu trên phải ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của các tư vấn thuộc hợp phần 6 nâng cao năng lực và hỗ trợ thực hiện dự án. Đó là sự đóng góp của các đơn vị, cá nhân tư vấn lập dự án, khảo sát, thiết kế, đấu thầu  v.v... cũng như của các đơn vị tư vấn giám sát xây dựng, giám sát an toàn môi trường, tái định cư. Đó còn là sự đóng góp của các tư vấn hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho các đơn vị quản lý, vận hành; hỗ trợ thực hiện và đào tạo nâng cao năng lực cho Ban QLDA.

Xuyên suốt trong quá trình thực hiện dự án, công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông cộng đồng luôn được Dự án quan tâm thực hiện. Bên cạnh những hoạt động thường xuyên của Chương trình IEC do Hội Liên hiệp phụ nữ thực hiện, các hoạt động khác như tuyên truyền bổ sung về rác thải, nước thải cũng đã được Ban QLDA tổ chức đến trực tiếp người dân một số phường nội thị thành phố.

Bên cạnh đó, Chương trình phát động sáng kiến thành phố xanh sạch đẹp của giai đoạn 1 và 2 được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân thành phố và đã có 18 sáng kiến được chọn để thực hiện, phát huy những thành quả rất đáng khích lệ.
Qua các chương trình nêu trên, người dân thành phố càng thêm hiểu và ủng hộ dự án cũng như ý thức bảo vệ môi trường ngày càng tăng. 

Bài học kinh nghiệm

Trong suốt quá trình thực hiện, Dự án tuy gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc; có lúc tiến độ không đáp ứng yêu cầu, dự án đã bị Ngân hàng Thế giới cũng như UBND tỉnh khiển trách, nhưng với sự nỗ lực rất lớn của tất cả các bên tham gia, dự án đã hoàn thành đáp ứng tiến độ theo Hiệp định đã ký kết. 

Qua quá trình thực hiện, dự án đã rút ra được rất nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích. Đó là, Dự án khi có được sự tăng cường kiểm tra, chỉ đạo sâu sát từ UBND tỉnh, từ Ban chỉ đạo dự án, thì các vướng mắc chính yếu sẽ được giải quyết kịp thời. Để thực hiện dự án thành công thì công tác đào tạo, nâng cao năng lực của Ban QLDA cũng như các đơn vị liên quan phải được quan tâm thực hiện ngay từ đầu. Ngoài ra, công tác quản lý hợp đồng, kiểm soát tiến độ thi công phải được Ban QLDA, Tư vấn thực hiện tăng cường thường xuyên hơn, chặt chẽ hơn; nhờ vậy các bên đã sớm cảnh báo được các gói thầu có nguy cơ chậm tiến độ và phải có những xử lý, chấn chỉnh hết sức nghiêm túc và quyết liệt. 
Một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng nữa là phải đảm bảo cho các công trình, tài sản của Dự án được vận hành hiệu quả. Muốn vậy thì công tác chuẩn bị phải sớm được thực hiện như xây dựng thể chế phù hợp, đào tạo nâng cao năng lực cho đơn vị vận hành; bên cạnh đó phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho công trình hoạt động như phải tiến hành từ đầu công tác đấu nối đảm bảo thu gom đủ lượng nước thải về nhà máy xử lý nước thải trước khi nhà máy đi vào hoạt động.

Không kém phần quan trọng cho sự thành công của Dự án đó là công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu và ủng hộ thực hiện dự án; và qua đó người dân ngày càng tăng cường ý thức gìn giữ môi trường cũng như chung tay bảo vệ tài sản của dự án.

Thành công dự án

Vượt qua những khó khăn thử thách trên quãng đường dài hơn 07 năm thực hiện, đến tháng 11/2014, Dự án tự hào đã hoàn thành đáp ứng tiến độ cam kết; các công trình của dự án với chất lượng đảm bảo, được đầu tư xây dựng hiện đại theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới cùng các đơn vị hữu quan trong các đợt giám sát gần đây. Dự án thực tế đã đạt được các chỉ số hiệu quả vượt xa so với dự báo trong Tài liệu thẩm định dự án:
- 184.000 người hàng năm được hưởng lợi thông qua việc giảm bớt tình trạng ngập lụt;
- 405.000 người hàng năm có chất thải rắn thường xuyên được thu gom và đổ tại các nơi đổ rác hợp vệ sinh;
- 40.500 người được hưởng lợi từ việc đã tham gia đấu nối nước thải vào mạng lưới tương ứng với lượng nước thải  được xử lý là 13.500m3/ngày đêm;
- 15.400 học sinh hàng năm được tiếp cận với dịch vụ vệ sinh được cải thiện tại trường học;
- 10.900 người nghèo đã được tiếp cận và trả các khoản vay để cải thiện các trang thiết bị vệ sinh tại hộ gia đình từ năm 2009 đến 2012; 
- 73.000 tấn là lượng rác thải đã được thu gom đưa về ô chôn lấp mới hợp vệ sinh kể từ khi vận hành (3/2014)

Bên cạnh đó còn có các Lợi ích Kinh tế chưa định lượng được bao gồm: 
- Giảm thiệt hại về úng lụt, 
- Có lợi về sức khỏe, 
- Tiết kiệm trong việc lắp đặt và xử lý bùn bể phốt, 
-Tiết kiệm trong việc bảo dưỡng hệ thống thoát nước 
- Thu hút du lịch do môi trường được cải thiện cho các khách du lịch và các nhà đầu tư tiềm năng, 
- Nâng cao năng lực tài chính của các nhà cung cấp dịch vụ do mức thu phí được tăng dẫn tới công tác quản lý dịch vụ được tốt hơn và loại bỏ các hình thức trợ giá từ chính quyền địa phương,
- Nâng cao tiềm năng phát triển cho thành phố đặc biệt là các khu vực bị úng lụt trước đây, 
- Tạo ra các cơ hội kinh doanh mới như nhà hàng, các cửa hàng bán lẻ và các hoạt động giải trí,
- Tăng giá trị của đất tại các khu vực mà điều kiện vệ sinh và cơ sở hạ tầng được cải thiện thông qua việc đầu tư của Dự án

Để nâng cao hiệu quả sử dụng thành quả từ Dự án, thành phố Nha Trang cần phải tiếp tục trong việc tăng cường đầu tư hệ thống cống cấp 3 và đấu nối nước thải từ hộ gia đình để thu gom về nhà máy xử lý, đảm bảo nhà máy hoạt động với công suất cao nhất, ngăn chặn hoàn toàn nước thải chưa xử lý xả ra môi trường. Tăng cường nhận thức cộng đồng đối với công tác thu gom, phân loại rác thải và ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường chung của thành phố.

Dự án Vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải – Tiểu dự án Nha Trang đã thành công rực rỡ, mở ra môi trường sống xanh sạch đẹp cũng như phát triển kinh tế xã hội cho thành phố, để người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn, để Nha Trang mãi luôn là điểm đến hấp dẫn trong lòng du khách gần xa.

Tác giả: BQL Dự án VSTM Tp. Nha Trang

Hỏi - Đáp

Ban quản lý dự án rẤT MONG NHẬN ĐƯỢC PHẢN HỒI TỪ BẠN.

 Gửi ngay
Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa

Giấy phép số:

Số 15/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 23/10/2024

Chịu trách nhiệm nội dung:

Ông Nguyễn Thanh Hiến - Giám Đốc

 Đang online: 58
 Tổng truy cập: 2.145.692
Vui lòng ghi rõ nguồn “Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa” hoặc “kdpm.vn” khi bạn phát hành thông tin từ Website này.